Travel News:

Hà Tiên

Hà Tiên là thị xã nhỏ nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Kiên Giang. Phía Bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài 13,7 km, Phía Đông và Nam giáp huyệnKiên Lương, Phía Tây giáp vịnh Thái Lan với đường bờ biển dài 22 km.

Khoảng cách: Hà Tiên cách Rạch Giá 100 km và cách Tp.Hồ Chí Minh 350 km.

Tổ chức hành chính: Thị xã Hà Tiên được thành lập vào ngày 01/9/1998, được chia thành 7 đơn vị hành chính, gồm 4 phường và 3 xã.

Khí hậu
Thị xã Hà Tiên nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa có nền nhiệt cao và ổn định, một năm chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

Diện tích: Diện tích tự nhiên của thị xã Hà Tiên là 8.851,51 ha.

Dân số: Hiện nay dân số toàn thị xã là 42.940 người, tổng số hộ là 7.454 hộ.

Dân tộc: Hà tiên là nơi sinh sống của 03 dân tộc cùng sinh sống là Kinh, Hoa và Khmer

Tên gọi
– Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa (1954 – 1975), và dưới thời Pháp thuộc (1867 – 1945/54), Hà Tiên là một trong 21 tỉnh của Nam Phần Việt Nam (Thời Pháp thuộc, và trước nữa còn có tên Nam Kỳ).
– Dưới thời Minh Mạng – Tự Đức, Hà Tiên cũng là tên một tỉnh trong Nam Kỳ Lục Tỉnh (gồm Biên Hòa, Gia Định, Đinh Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Như vậy tỉnh Hà Tiên thời điểm này (1/6 của miền Nam), lớn hơn tỉnh Hà Tiên thời Pháp hay thời Việt Nam Cộng Hòa (1/21 của Miền Nam) nhiều lắm.
– Dưới thời Gia Long, Hà Tiên là tên chỉ một trong năm trấn của miền Đồng Nai: Biên Trấn (Biên Hòa), Phan Trấn (Gia Định), Vĩnh Trấn (Vĩnh Long – An Giang) và Hà Tiên Trấn.
– Khi chúa Nguyễn cho Mạc Thiên Tích kế nghiệp cha (1735), ít lâu sau Mạc Thiên Tích đã mở rộng vùng Hà Tiên của cha đế tận Cà Mau và sau này vua Chân Lạp còn nộp thêm cho chúa Nguyễn nhiều vùng đất nữa dưới thời Mạc Thiên Tích. Ở thời điểm lúc đó có thể nói vùng Hà Tiên bao gồm Hậu Giang ngày nay.
– Khi chúa Nguyễn Phúc Chu phong cho Mạc Cửu làm Tổng Binh Hà Tiên Trấn, thì Hà Tiên chỉ gồm một vùng quanh thị xã Hà Tiên hiện nay, một số thôn xã mới thành lập, nhưng đất rộng người thưa (tận vùng Sóc Trăng, Cà Mau), và một phần đất nhỏ khác, nay đã trả lại cho Kampuchia.
– Vì vấn đề đo đạc ngày xưa không chính xác, và sử sách cũng không ghi rõ biên giới của những địa danh, nên không thể nào xác định được lãnh thổ Hà Tiên của từng giai đoạn lịch sử. Có điều khác chắc chắn là địa danh Hà Tiên có một thời đã bao gồm cả miền Hậu Giang, nên có một vài nơi trong thơ văn có nói đến ba chữ Hà Tiên Quốc chắc không phải là quá thổi phòng.

Lịch sử
Hà Tiên trở thành một trấn lỵ phồn thịnh từ cuối thế kỷ XVII (Mậu Tý-1708). Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, nhiều lúc bị chiến tranh tàn phá, nhưng Hà Tiên vẫn là một vùng đất giàu đẹp, nên thơ được tô điểm bởi các thắng cảnh thiên nhiên độc đáo đã, đang và sẽ luôn thu hút du khác tứ phương.
Mạc Cửu có mặt ở Hà Tiên từ những năm thập niên 70 của thế kỷ 17, lúc đó Mạc Cửu còn rất trẻ, từ Trung Hoa, ông vượt biển cùng một ít quân gia. Với con mắt của một doanh nhân, một nhà chiến lược cùng với đức độ thiên bẩm, Mạc Cửu đã chọn Hà Tiên làm địa bàn dung thân lâu dài cho mình. Chỉ trong một thời gian không lâu, Hà Tiên trở thành một thương cảng trù phú, nhân dân quanh vùng từ Cà Mau đền Kampongsom mặc nhiên coi Hà Tiên là thủ phủ của vùng đất này, bởi Hà Tiên chính là nơi mà họ mang nông thổ sản đến để trao đổi với các loại hàng hóa khác với tàu buôn các nước, mà Mạc Cửu là người đứng đầu, cai quản cả việc doanh thương lẫn an ninh cho họ.
Chúng ta đều biết rằng, khi Hà Tiên đã là một thương cảng, một nơi đô hội trù phú từ đầu thế kỷ 18, Mạc Cửu vẫn còn thần phục triều đình Chân Lạp. ta sử dụng từ “thần phục” bởi Hà Tiên vẫn là một vùng đất độc lập mối quan hệ giữa triều đình Chân Lạp và Mạc Cửu rất lỏng lẻo nếu không nói là họ không quan tâm đến Hà Tiên nếu Mạc Cửu không yêu cầu sự bảo trợ về an ninh cho Hà Tiên.
Qua nhiều tư liệu lịch sử, chúng ta thấy rằng khi Hà Tiên hưng thịnh thì triều đình Xiêm La dòm ngó, và trong giai đoạn đó, việc cướp đất, giành dân, xâm lược là điều diễn ra một cách bình thường. chính vì thế, quân Xiêm đã không phải chỉ một lần qua xâm chiếm, cướp bóc Hà Tiên, thậm chí còn bắt cả Mạc Cửu và gia quyến mang về đất Xiêm. Trong khi đó, triều đình Chân Lạp không hề có động thái nào để bảo vệ Hà Tiên bởi họ rất khiếp sợ Xiêm La.
Mạc Cửu bị Xiêm La bắt đi, mặc dù được đối xử khá trọng hậu, nhưng hình như số phận của Ông đã gắn với Hà Tiên nên ông vẫn tìm cách trốn về đây để sau đó không lâu xin thần phục Việt Nam.
Trở lại tái thiết Hà Tiên, tồ chức lại các cộng đồng cư dân, làng xóm và xin chúa Nguyễn sáp nhập vùng đất này vào cương thổ của Đại Việt. Đó là một quyết định hết sức sáng suốt của Mạc Cửu. Tại sao Ông không xin thần phục Thái Lan hay là xin triều đình Chân Lạp bảo vệ một vùng đất cận kề với vương triều của họ?. Trong bối cảnh cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, chúng ta thấy rằng vương triều Chân Lạp không coi Hà Tiên là lãnh thổ của họ, chính vì thế, họ không hề quan tâm đến những biến cố xảy ra trên đất Hà Tiên (quân Xiêm tấn công), mà bản thân vương triều Chân Lạp lúc bấy giờ cũng không đủ sức quản lý một vùng đất xa xôi và hoang dã ấy. Trong lúc đó, chúa Nguyễn ở Đàng Trong đang phát huy những thế mạnh của mình, chiêu tập hiền tài xây dựng xứ sở Đàng Trong để chống lại thế lực của chúa Trịnh. Ưu thế đó đã làm cho thế lực của chúa Nguyễn ngày càng lớn mạnh và vươn tới vùng đất cực Nam này. Mạc Cửu đã nhận ra, việc gì mình phải làm để bảo vệ đất Hà Tiên. và cả một vùng đất rộng lớn từ Kampongsom đến Cà Mau và các đảo, quần đảo trong vịnh Thái Lan đã thuộc về Đại Việt từ năm 1708 với tên gọi là Hà Tiên, là một đơn vị hành chánh cấp “trấn” mà Mạc Cửu đã giao quyền cai quản với chức “tổng binh”. Sau này, người thừa kế Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích cũng được chúa Nguyễn phong là tổng binh đại đô đốc. Hành động sáp nhập Hà Tiên vào Đại Việt có thể nói là sự lựa chọn tất yếu khôn ngoan của Mạc Cửu và nhân dân ta lúc bấy giờ. Chính việc sáp nhập Hà Tiên vào Đại Việt thì vô hình trung nguyên cả vùng đất giữa sông Tiền và sông Hậu cũng chịu sự cai quản của triều chúa Nguyễn. Công lao của nhân dân Hà Tiên mà người đứng đầu lúc bấy giờ là Mạc Cửu thật hết sức lớn lao để chúng ta có ngày hôm nay.
Ngay sau khi trấn Hà Tiên được thành lập, Mạc Cửu được chúa Nguyễn phong làm tổng binh, một chức vụ đứng đầu trấn nhưng lại coi trọng việc gìn giữ, bảo vệ hơn các mặt công tác khác. Điều đó chứng tỏ tầm nhìn chiến lược của chúa Nguyễn đối với một vùng đất xa xôi. Nhận được nhiệm vụ ấy, Mạc Cửu đã tổ chức các công trình phòng thủ, bảo vệ trấn lỵ Hà Tiên mà các công trình lớn là xây dựng thành quách, đắp một số lũy phòng thủ như bờ đồn nhỏ, bờ đồn lớn, đồn tiền tiêu Giang Thành…
Trong những năm chính thức quản lý Hà Tiên, Mạc Cửu đã mở rộng việc kinh doanh làm cho Hà Tiên thật sự trở thành một cảng khẩu quan trọng trong khu vực, việc doanh thương ngày càng phát triển, nhân dân trong trấn đã tích cực khai hoang, mở đất sản xuất nông nghiệp (chúng ta càng nhìn nhận sự kiện này trên địa bàn toàn trấn), lưu dân đến sinh sống trong trấn ngày càng nhiều để đến sau này Mạc Thiên Tích có điều kiện thành lập huyện Kiên Giang, Long Xuyên, Trấn Giang và Trấn Di.
Tên gọi hành chánh qua các thời kỳ:
Từ giữa thế kỷ thứ 17, chúng ta biết đến Hà Tiên qua những tập du ký của các giáo sĩ phương tây dưới cái tên Carol, các thương thuyền người hoa gọi là Can Cao (Cảng Khẩu), Người Khmer gọi là Peam (vàm).
Từ năm 1708, khi Mạc Cửu xin sáp nhập vùng đất này vào Đại Việt, chúa Nguyễn đã chấp thuận và chính thức thành lập trấn Hà Tiên. Đó là tên gọi đầu tiên của vùng đất tương ứng với tỉnh Kiên Giang hiện nay cộng với một số nơi thuộc Kampuchia như Vũng Thơm, Cần Bột, Sài Mạt.
Năm 1757, người thừa kế Mạc Cửu là tổng binh đại đo đốc Mạc Thiên Tích thành lập huyện Kiên Giang, huyện Long Xuyên, Trấn Giang và Trấn Di. Như vậy, trấn Hà Tiên xưa rất rộng lớn bao gồm tất cả các tỉnh phía hữu ngạn sông Hậu.
Năm 1836 vua Minh Mạng chia Nam kỳ thành 6 tỉnh, trấn Hà Tiên được chia thành hai tỉnh An Giang và Hà Tiên. tỉnh Hà Tiên bao gồm tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau hiện nay.
Năm 1867, thực dân Pháp chiếm Nam kỳ lục tỉnh và chia tỉnh Hà Tiên thành các hạt tham biện Hà Tiên, Rạch Giá và Bạc Liêu. Đầu thế kỷ 20 gọi các hạt này là tỉnh. Địa giới hành chánh do thực dân Pháp phân định tồn tại đến năm 1956. Tỉnh Hà Tiên có địa giới bao gồm thị xã Hà Tiên, huyện Kiên Lương, Giang Thành và Phú Quốc hiện nay.
Ngày 22 tháng 10 năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm sáp nhập tỉnh Hà Tiên vào Rạch Giá lấy tên là tỉnh Kiên Giang.
Đối với chính quyền cách mạng, sau năm 1945 vẫn giữ hai tỉnh Rạch Giá và Hà Tiên. năm 1951 sáp nhập tỉnh Hà Tiên vào Long Châu Hậu để thành lập tỉnh Long Châu Hà. Tỉnh Rạch Giá giải tán để phân chia nhập vào tỉnh Cần Thơ và Bạc Liêu. Năm 1954, thành lập lại hai tỉnh Rạch Giá và Hà Tiên, cuối năm 1956 sáp nhập tỉnh Hà Tiên vào Rạch Giá, vẫn lấy tên là tỉnh Rạch Giá. Hà Tiên còn là một huyện bao gồm thị xã Hà Tiên, huyện Kiên Lương và huyện Giang Thành hiện nay. Năm 1965, huyện Hà Tiên được tách ra khỏi tỉnh Rạch Giá nhập vào tỉnh An Giang. Năm 1967 trả về cho tỉnh Rạch Giá. Năm 1971 lại tách ra nhập với Châu Đốc để thành lập tỉnh Châu Hà, năm 1974 gọi là tỉnh Long Châu Hà. Năm 1976 lại trở về với tỉnh Rạch Giá cũ với tên gọi mới là tỉnh kiên giang. Tháng 9 năm 1998 thành lập thị xã Hà Tiên cho đến nay.

(Dulichbui.org)

Bài viết: Hà Tiên (https://dulich.nao.vn/ha-tien.html) được biên tập bởi công sức của BTV Du lịch nào! (https://dulich.nao.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Leave a Reply

Submit Comment